Bài dự thi: Mô hình tận dụng rác thải hữu cơ từ nhà bếp làm nước tẩy rửa tự nhiên xã An Tiến
Sống xanh đang là xu hướng được nhiều người dân ưa chuộng bởi nó giúp giảm thiểu các loại hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Xuất phát từ mong muốn mang đến những sản phẩm nước tẩy rửa tự nhiên an toàn cho sức khỏe và giảm tối đa việc xả thải hóa chất có hại cho đất, nước và vi sinh vật. Chúng tôi đã tìm tòi học hỏi và thử nghiệm tận dụng rác thải hữu cơ từ nhà bếp như vỏ dứa, vỏ cam, củ xả, vỏ quả chanh…. làm nguyên liệu chính để làm ra các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ với hàm lượng Enzyme tẩy rửa tự nhiên đảm bảo an toàn cho sức khỏe và bảo vệ nguồn nước, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế có khả năng ứng dụng và triển khai nhân rộng đến hội viên phụ nữ trên địa bàn xã An Tiến.
Thực hiện chương trình công tác năm của Hội LHPN huyện An Lão và Nghị quyết Đảng uỷ xã An Tiến. Hội LHPN xã đã xây dựng Kế hoạch về việc tổ chức triển khai đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo"Tận dụng rác thải hữu cơ từ nhà bếp để làm nước tẩy rửa tự nhiên" trên địa bàn xã An Tiến gắn với việc ra mắt câu lạc bộ " Phụ nữ An Tiến sống khỏe sống xanh"
Tham gia sinh hoạt tại mô hình chị em được tuyên truyền về cách phân loại và tự xử lý rác hữu cơ ngay tại gia đình. Chị em hội viên biết cách biến rác thải hữu cơ trở thành nguyên liệu để làm nước tẩy rửa tự nhiên dùng cho sinh hoạt hàng ngày như rửa chén bát, lau sàn nhà, đánh rửa labo bồn cầu…. Phần rác hữu cơ còn lại sẽ được xử lý làm phân bón cho cây trồng, chị em có thêm kiến thức về việc chăm sóc cây trồng, cải tạo đất trồng và lợi ích từ việc sử dụng phân hữu cơ đúng cách.
Triển khai từ tháng 4 năm 2024 đến nay Hội LHPN xã đã tổ chức làm 250 lít nước rửa chén bát tự nhiên; 70 lít men nước; 50 kg men khô xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng để đưa vào sử dụng. Tổ chức hội nghị truyền thông hướng dẫn triển khai mô hình tới 120 hội viên tham gia thực hiện. Hướng dẫn tại nhà 35 hội viên. Phát 250 tờ rơi hướng dẫn làm nước tẩy rửa tự nhiên. Tích cực tuyên truyền mô hình dân vận khéo trên các trang mạng xã hội do Hội quản lý như fanqage, facebook, zalo.... Đến nay mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả được hội viên đón nhận và tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện tại hộ gia đình góp phần giảm lượng rác thải sinh hoạt ra bên ngoài vì rác thải hữu cơ đã được xử lý ngay tại hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý rác.
Kết quả sau khi sử dụng chị em hội viên đều thấy rằng nước rửa bát tự nhiên dễ làm, hiệu quả, ai cũng có thể làm được. Thời gian làm nước rửa bát tự nhiên nhanh hơn, khả năng khử mùi rất tốt, chén bát sạch hơn, tiết kiệm nguồn nước trong quá trình rửa và tráng chén bát. Nước tẩy rửa tự nhiên góp phần giảm thiểu một lượng rác thải hữu cơ nhất định ra môi trường, góp phần bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, giá thành hợp lý, nguyên liệu dễ kiếm tiết kiệm chi phí đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tới nay mô hình đã đi vào hoạt động đều đặn, hiệu quả, được chị em trong mô hình hưởng ứng và gắn bó. Tham gia mô hình có rất nhiều chị tích cực như: các chị Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Huyến, Nguyễn Thị Ánh, Phạm Thị Hằng, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Thía, Nguyễn Thị Loan…. Sử dụng nước rửa bát tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày để rửa chén đĩa chị Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Sử dụng nước rửa chén bát tự nhiên, cảm nhận đầu tiên tôi thấy là hiệu quả làm sạch chén bát, khử mùi tanh rõ rệt. Da tay không bị khô, nứt, dính tay. Tiết kiệm lượng nước sạch trong mồi lần rửa. Và bản thân tôi cũng góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ nguồn nước sạch, sống thân thiện với môi trường”
Trong quá trình triển khai và nhân rộng mô hình Hội LHPN xã đã luôn nhận được sự quan tâm của Hội LHPN huyện, Đảng ủy xã An Tiến thường xuyên kiểm tra giám sát tại hộ gia đình hội viên và chúng tôi luôn đồng hành chia sẻ những giải pháp cùng hội viên khi có vấn đề phát sinh. Với những hiệu quả của nước rủa chén bát tự nhiên mang lại như: giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm nguồn nước sạch trong hoạt động rửa chén bát hàng ngày. Đồng thời nước thải ra trong quá trình này không có hóa chất, chất độc hại nên có thể tiếp tục sử dụng, tận dụng để tưới cây. Nguồn nước thải khi sử dụng bằng nước tẩy rửa chén bát tự nhiên không gây ô nhiềm nguồn nước, góp phần bảo vệ nguồn nước và môi trường sống. Chi phí làm nước rủa chén bát tự nhiên hợp lý, chất lượng sản phẩm tốt quan trọng hơn cải thiện và nâng cao đời sống thu nhập của người dân.
Theo thống kê lượng thải sinh hoạt thải ra môi trường trong đó 70% là rác hữu cơ. Vì vậy nếu lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý triệt để sẽ giảm được trung bình trên 50 kg rác trên /tháng/1hộ và lượng rác hữu cơ này sẽ được xử lý để làm nước tẩy rửa tự nhiên và xử lý làm phân bón cho cây trồng. Việc làm này đã góp phần giảm lượng rác thải ra ngoài, góp phần bảo vệ môi trường và biến rác trở thành tài nguyên, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp tại địa phương An Tiến./.
Người dự thi: Bùi Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội LHPNVN xã AnTiến.