Bài dự thi: Mô hình vận động nhân dân khắc phục diện tích bỏ hoang đưa vào sản xuất
Mô hình vận động nhân dân khắc phục diện tích bỏ hoang đưa vào sản xuất
Xã An Tiến nằm sát trung tâm huyện, có đường Quốc lộ 10 và tỉnh lộ 357 đi qua, phía Bắc giáp xã Trường Thành, phía Nam giáp xã An Thắng, phía Đông giáp thị trấn Trường Sơn, phía Tây giáp thị trấn An Lão với diện tích tự nhiên là 664ha. Xã có 03 thôn với dân số trên 9.300 người. Với đặc điểm khu vực của xã là một trong những địa bàn quan trọng trong khu vực phòng thủ của Huyện và Thành phố và là những đầu mối quan trọng trong giao thông đường thủy và đường bộ, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế với các tỉnh trong khu vực, đồng thời là địa bàn quan trọng trong chiến lược khu vực phòng thủ. Địa hình đồng bằng làng mạc xen kẽ ruộng đồng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên của địa phương, Hội Nông dân xã được thành lập từ rất sớm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện An Lão, đã vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Trong đó Hội Nông dân luôn xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, có sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ, Thành phố, Huyện và mỗi địa phương về việc triển khai đề án xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn cả nước, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Hội Nông dân xã hiện đang có hơn 1050 hội viên với 3 chi hội thôn nông nghiệp. Hội viên nông dân và nhân dân An Tiến luôn chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định tại địa phương, luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Những người cán bộ, hội viên nông dân xã An Tiến luôn nhiệt tình hưởng ứng các phong trào chung của địa phương, đặc biệt là phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", tham gia tích cực trong việc hiến đất, dỡ bỏ tường bao, công trình sinh hoạt để giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng của địa phương. Đến năm 2019 xã An Tiến đã hoàn thành về đích Nông thôn mới giai đoạn một với 19/19 tiêu chí. Xã đã hoàn thành xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” địa phương đã tiến hành duy tu sửa chữa các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi. Đặc biệt với “phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã được Hội Nông dân xã triển khai có hiệu quả đến cán bộ, hội viên nông dân, hàng năm tổ chức phát động các hộ tham gia đăng ký và cuối năm tổ chức bình xét đánh giá, qua nhiều năm thực hiện phong trào đã có rất nhiều các hộ nông đân được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tiêu biểu như hộ ông Lương Văn Cần, ông Nguyễn Văn Thanh, ông Nguyễn Văn Thuỷ, ông Phạm Văn Hành... phong trào vận động phát triển kinh tế và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nhân dân hưởng ứng tích cực nên cho năng suất, chất lượng, sản lượng lúa và nông sản không ngừng được tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Công tác giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thực hiện tốt, nhân dịp tết nguyên đán, dịp 27/7 Hội đều tổ chức thăm tặng quà động viên đến cán bộ, hội viên nông dân. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực. Nổi bật là sản xuất phát triển, thu nhập người dân tăng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp, trật tự xã hội được đảm bảo, cảnh quan môi trường sạch đẹp, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Có được những kết quả trong xây dựng nông thôn mới trên đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đó có Hội Nông dân xã nhà.
Xã An Tiến có 300,83 ha diện tích đất trồng lúa với 2 vụ sản xuất chính/năm, ngoài ra còn trồng rau màu quanh năm và trong đợt giao vụ mùa với vụ chiêm xuân. Tuy nhiên những năm gần đây, xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, từ nền kinh tế thị trường đã tác động làm thay đổi bộ mặt của nông thôn một bộ phận nông dân địa phương đã bỏ ruộng, bỏ trồng trọt, chăn nuôi để đi làm công việc khác cho thu nhập cao hơn do được mùa mất giá, giá trị ngày công lao động nông nghiệp quá thấp, sản xuất nông nghiệp bị tác động bởi thiên tai, ô nhiễm môi trường,, dịch bệnh, giá vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón,….Bên cạnh đó do diện tích đất nông nghiệp tại địa phương nhỏ lẻ, xen kẹt trong dân cư, các khu nghĩa trang, các doanh nghiệp, nhiều diện tích sâu trũng, đất chua,… nên khó sản xuất, khó hình thành các vùng sản xuất lớn, khó đưa dịch vụ cơ giới hóa, khó đánh bắt chuột gây hại dẫn đến tình trạng diện tích ruộng bị hoang hóa ngày càng lớn, lao động động nông nghiệp chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ. Tình trạng bỏ ruộng hoang có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh hình thành và phát triển, là nơi trú ngụ, sinh sản của chuột, tình trạng bỏ ruộng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lương thực ngay trên địa bàn.
Để giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang hóa địa phương đã nhiều lần tổ chức họp bàn đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục và hạn chế, Đảng ủy đã giao cho các hội đoàn thể xây dựng các mô hình dân vận khéo trong đó chú trọng việc vận động nhân dân hạn chế bỏ ruộng. Hội Nông dân xã An Tiến đã chủ động lĩnh hội tinh thần chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương tích cực xây dựng mô hình dân vận khéo vận động hội viên và nhân dân tích cực khắc phục diện tích ruộng bỏ hoang để đưa vào sản xuất. Hội đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người nông dân qua đó giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm. Tạo chuyển biến trong tư tưởng nông dân theo hướng tích cực tạo việc làm cho nhiều lao động, thu hẹp diện tích bỏ hoang khuyến khích các hộ đầu tư sâu vào nông nghiệp, cân bằng môi trường sinh thái tạo đà phát triển cho nông nghiệp nông dân nông thôn.
Ngay từ đầu năm Hội đã triển khai mô hình đến cán bộ, hội viên và nhân dân trong toàn xã thông qua các hội nghị BCH, các hội nghị tập huấn khoa học kỹ thuật, hội nghị sinh hoạt chi hội. Hội Nông dân xã đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, quan tâm đến hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, của các hộ gia đình khắc phục diện tích bỏ hoang để đưa vào sản xuất, vận động, đàm phán với các hộ không có nhu cầu canh tác nhượng lại, cho mượn ruộng để các tập thể, cá nhân mượn ruộng để sản xuất.
Hội đã thường xuyên phối hợp cùng trạm khuyến nông huyện, các công ty, doanh nghiệp để mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng các giống lúa mới, các loại cây ăn quả cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng đất của địa phương để sản xuất; đã phối hợp công ty phân bón có thương hiệu trên thị trường về địa phương quảng bá giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán trả chậm cho các hộ dân có nhu cầu với giá ưu đãi. Các hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ vào sản xuất, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại, giảm sức lao động của người nông dân như máy cấy, máy gặt, máy làm đất, bình máy phun thuốc trừ sâu, máy bay phun thuốc… Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ mùa năm 2023, do thời gian giao vụ kéo dài nên Hội đã vận động hội viên và nhân dân tích cực trồng cây vụ đông, chủ động dọn vệ sinh đồng ruộng, bám sát hướng dẫn gieo cấy vụ chiêm xuân 2024 của cơ quan chuyên môn để tuyên truyền nhân dân thực hiện. Tuyên truyền và hướng dẫn hội viên và nhân dân gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, đem lại năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng gạo ngon như giống BC15 kháng đạo ôn, TBR225, Thơm RTV, Nếp 87, nếp Lang Liêu… Đến nay, Hội đã vận động được 35 hộ với 55ha để cấy lúa trên các xứ đồng góp phần giảm bớt diện tích hoang hóa và hình thành các khu sản xuất tập trung, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Thanh, ông Nguyễn Văn Thuỷ, ông Nguyễn Văn Phong, ông Nguyễn Văn Thừa, ông Lê Văn Mùi… mỗi hộ cấy từ 3ha đến 10ha. Hội đã động viên và hỗ trợ thuốc diệt chuột đến một số hộ tích cực gom diện tích để cấy lúa và hoa màu. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, của ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã vụ chiêm xuân đã được thu hoạch với năng suất đạt 69 tạ/ha.
Phát huy kết quả đạt được Hội Nông dân tiếp tục tuyên truyền và vận động hội viên, nhân dân tiếp tục gom diện tích hoang hóa để sản xuất vụ mùa 2024 đạt hiệu quả cao. Do đây là vụ sản xuất thời gian giao vụ ngắn vừa thu hoạch lúa chiêm vừa vệ sinh đồng ruộng, làm đất gieo mạ, nhân dân và hội viên xã nhà cố gắng hoàn thành gieo cấy xong trước 20/7/2024 đảm bảo đúng cơ cấu trà lúa, giống lúa. Hội tích cực tuyên truyền hội viên và nhân dân mở rộng diện tích cấy lúa và hoa màu. Vụ Mùa năm 2024 Hội đã tuyên truyền thêm được 02 hộ gom diện tích cấy lúa với tổng diện tích là 5ha. Đến thời điểm này các diện tích lúa mùa đã sinh trưởng phát triển tốt.
Với những kết quả đạt được từ mô hình dân vận khéo của Hội, đến nay trên các cánh đồng đã được phủ bằng màu xanh của lúa. Trong các thôn, trong xã đã có nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững từ sản xuất nông nghiệp, đã có nhiều tấm gương, những điển hình tiên tiến cần nhân rộng, đã có những mô hình hay, sáng tạo, đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau vươn lên thoát nghèo nhờ vào các mô hình cấy lúa, trồng rau màu và nuôi thả cá. Qua phong trào cấp hội nhận thấy việc đổi mới sáng tạo trong công tác tuyên truyền của cấp hội trong giai đoạn hiên nay là hết sức cần thiết tính chất lan tỏa cao, mang lại hiệu quả rất cao cho nông nghiệp, nông dân nông thôn.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và triển khai, phát triển mô hình còn gặp không ít những khó khăn, những hạn chế bất cập từ nguồn lao động trong nông nghiệp chủ yếu là người già nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, từ những tồn tại về thực trạng địa hình đồng đất manh mún, xen kẹt, cao thấp, đường giao thông một số cánh đồng còn khó khăn chưa được cứng hóa, công tác điều tiết nước chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Từ đó địa phương chưa thật sự có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại giá trị kinh tế cao, việc mở rộng, phát triển mô hình còn gặp phải khó khăn nhất định, một số khu ruộng không sản xuất nhưng nhân dân vẫn muốn giữ không cho thuê cho mượn lâu dài, một số khu ruộng đã được người dân “bán” cho các doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng đến.
Trong thời gian tới để mô hình dân vận khéo được duy trì và mở rộng nhằm thu hẹp những diện tích hoang hóa, Hội Nông dân xã rất mong nhận được sự quan tâm từ các cấp các ngành, từ sự thay đổi trong chính sách về ruộng đất, có những chế tài chặt chẽ hơn đối với những người có quyền sử dụng đất mà để diện tích hoang hóa, có những chính sách khuyến khích đầu tư cho sản xuất công nghệ cao, nhân dân được tiếp cận với đa dạng các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn đến cơ sở vật chất, đường giao thông thuận tiện, hệ thống điều tiết nước hiện đại và có những giải pháp hiệu quả trong đánh bắt chuột phá hoại sản xuất.
Người dự thi: Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tiến